Ông Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, hiện trên địa bàn Cần Thơ...
Theo đánh giá của Sở Y tế thành phố Cần Thơ, nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải y tế đang trở thành vấn đề cấp bách trong khi công tác quản lý chất thải ở các bệnh viện trên địa bàn còn rất hạn chế. Thành phố Cần Thơ hiện có 25 bệnh viện, 1 trung tâm y tế huyện, 1 công ty dược, 13 đơn vị y tế thuộc khối dự phòng, 85 trạm y tế và nhiều phòng khám tư nhân, nhưng chỉ có 8/25 bệnh viện có lò đốt rác thải y tế, trong đó có 7 bệnh viện trang bị lò đốt 2 buồng và 1 lò đốt thủ công. Các lò đốt đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp, đặc biệt là ở các đơn vị sử dụng lò đốt thủ công gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Trong khi đó, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ tạm thời chất thải rắn y tế của các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế. Số lượng dụng cụ phương tiện phân loại thu gom và vận chuyển còn thiếu, dẫn đến việc phân loại, thu gom vận chuyển lưu giữ chất thải rắn y tế chưa đạt hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, hiện các kho lưu giữ tại nhiều nơi chưa đạt tiêu chí quy định, diện tích nhỏ so với lượng chất thải rắn y tế phát sinh trong thời điểm hiện tại và định hướng phát triển của các cơ sở y tế trong vùng 5 năm tới.
Theo ông Cao Minh Chu, tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ, trung bình khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng hơn 6,3 tấn/ngày; trong đó rác thông thường là 5,3 tấn, rác nguy hại là gần 1 tấn. Dự kiến, đến năm 2020 khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh trên địa bàn ước tính khoảng hơn 10 tấn/ngày; trong đó chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh khoảng 1,6 tấn/ngày và chất thải thông thường khoảng 8,7 tấn/ngày. Giai đoạn từ nay đến năm 2015, thành phố Cần Thơ sẽ quy hoạch xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung. Vì vậy, Sở Y tế thành phố đã đề nghị Ban quản lý Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện (Bộ Y tế) đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), vốn đối ứng địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Hiện Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã lập dự án đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung với tổng mức đầu tư là 4 triệu USD (tương đương 91 tỷ đồng), trong đó vốn vay ODA là 84 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ là 6,8 tỷ đồng (khoảng 7,42%). Dự án sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường. Thành phố Cần Thơ cũng đề xuất 2 phương án xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại tập trung. Phương án 1, hệ thống xử lý rác thải lắp đặt tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi (quận Bình Thủy), giao cho bệnh viện trực tiếp thu gom, quản lý và vận hành hệ thống xử lý tập trung, tận dụng nguồn nhân lực thu gom có sẵn tại bệnh viện. Phương án 2, lắp đặt hệ thống xử lý rác thải tại khu quy hoạch xử lý rác tập trung ở phường Phước Thới, quận Ô Môn. Theo đó, phương án này vận hành hệ thống quản lý, thu gom và vận chuyển một cách tập trung chuyên nghiệp; giảm chi phí vận chuyển, hạn chế phát tán ô nhiễm, giảm thiểu tác động tới cộng đồng dân cư…
Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Bộ Y tế đã thống nhất và đánh giá đề án xử lý chất thải rắn nguy hại tập trung trên là cần thiết và phù hợp với giai đoạn hiện nay. Để Ngân hàng Thế giới xem xét và quyết định tài trợ vốn, thời gian tới UBND thành phố đề xuất Bộ Y tế cử nhóm chuyên gia giỏi hỗ trợ Cần Thơ thực hiện thủ tục, tiến hành dự án một cách có hiệu quả, tránh sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sớm giải quyết bài toán xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các bệnh viện trên địa bàn.