Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, năm ngoái, Trung Quốc đã lần đầu vượt Mỹ để trở thành nước mua hàng lớn nhất của Việt Nam. Mỹ đã nắm giữ vị trí này 15 năm trước đó.
Xu hướng này tiếp tục kéo dài sang năm nay, khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 33,5% quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này với Mỹ là 20%, theo Tổng cục Thống kê.
Giai đoạn 2007 - 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 15 lần, lên 50,6 tỷ USD. Tốc độ này với Mỹ chỉ là 4 lần, lên 46,5 tỷ USD, theo số liệu của IMF.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với nhiều nước châu Á. |
Việt Nam đến nay vẫn dựa vào Mỹ để cân bằng sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump thúc đẩy bảo hộ thương mại, Trung Quốc đang dần lấp đầy chỗ trống tại Đông Nam Á bằng thương mại và đầu tư.
"Trung tâm thương mại châu Á giờ rõ ràng đã chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc", Eugenia Victorino - nhà kinh tế học tại ANZ Singapore nhận xét, "Chủ nghĩa bảo hộ không giúp gì được cả, và các nước châu Á sẽ ngày càng nhận ra rằng khi nói đến thương mại, Trung Quốc đang dần có sức nặng".
Thập kỷ qua, Trung Quốc đã thay thế Mỹ làm thị trường xuất khẩu hàng đầu với nhiều nền kinh tế châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Ấn Độ là một trong những nước ít ỏi vẫn xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn.
Những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là một trung tâm sản xuất, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%. Lực lượng lao động trẻ, giá rẻ đã hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu như Samsung Electronics và Nestle.
Tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng hơn 13% mỗi năm giai đoạn 2018 - 2020, chủ yếu nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất. Việc này sẽ giúp tăng trưởng ổn định tại 6,5% cho đến năm 2020.
Năm ngoái, xuất khẩu đóng góp gần 100% GDP Việt Nam. Vì vậy, quá phụ thuộc vào một thị trường sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế. Để đối phó điều này, Việt Nam đang theo đuổi các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, châu Âu và các nước quanh Thái Bình Dương (CPTPP).
"Việt Nam thực sự cần đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam đang làm khá tốt, tích cực trong việc đàm phán hiệp định thương mại tự do. Với CPTPP, chúng ta cần chuẩn bị thật tốt để hưởng lợi từ hiệp định này", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với Bloomberg.
Hà Thu (theo Bloomberg)